Favicon

Cục thuế TP Hải Phòng – Tổng hợp giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, chế độ kế toán và hóa đơn điện tử áp dụng đối với hộ, cá nhân kinh doanh

  1. Trang chủ
  2. Cơ quan thuế giải đáp chính sách
  3. Cục thuế TP Hải Phòng – Tổng hợp giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, chế độ kế toán và hóa đơn điện tử áp dụng đối với hộ, cá nhân kinh doanh

Ngày 29/3/2022, Cục Thuế TP Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, giải đáp chính sách, thủ tục hành chính thuế, kế toán và hóa đơn điện tử áp dụng với hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn TP Hải Phòng. Dưới đây là các vướng mắc đã được tổng hợp, giải đáp tại Hội nghị

I – Vướng mắc kế toán

  1. Khi cập nhật sổ sách, giá trị hàng tồn kho thực tế vượt quá vốn kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh có được không?
    Trả lời: Theo quy định hiện hành thì quy mô kinh doanh của các hộ kinh doanh không hoàn toàn phụ thuộc vào số vốn đăng ký của hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh được quyền sản xuất kinh doanh trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ thuế với Ngân sách nhà nước theo đúng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
  1. Hộ kinh doanh dùng chứng từ gì để ghi sổ tiền gửi ngân hàng? Có bắt buộc phải có giấy báo Nợ, báo Có của Ngân hàng không, có cần in sao kê để lưu trữ không?
    Theo khoản 4 Điều 4 Thông tư 88/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh sử dụng Giấy báo Nợ, Giấy báo Có của ngân hàng để làm cơ sở ghi sổ tiền gửi ngân hàng.
  1. Hộ kinh doanh thực hiện quyết toán thuế bao nhiêu lâu một lần? 
    Trả lời: Theo quy định tại Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, căn cứ khoản 5 Điều 5 Thông tư số 40/2021/TT-BTC thì hộ kinh doanh không phải thực hiện quyết toán thuế và không phải quyết toán hóa đơn.
  1. Hộ kinh doanh thực hiện ghi chép các loại sổ sách và báo cáo bao lâu một lần?
    Trả lời: Theo quy định tại Luật Kế toán, ngày khi có nghiệp vụ kinh tế phát sinh thì cần được phản ánh và cập nhật thường xuyên vào các sổ sách kế toán tương ứng.
  1. Mục đích của các loại sổ kế toán là gì?
    Trả lời: Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo nội dung kinh tế và theo trình tự thời gian có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh cần bảo quản, lưu trữ các tài liệu kế toán nhằm phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh với ngân sách nhà nước và công tác quản lý hộ kinh doanh của cơ quan thuế.
  1. Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có bắt buộc phải có Hợp đồng kinh tế hay không? Nếu có thì hợp đồng gồm những nội dung gì?
    Trả lời: Theo quy định pháp luật thương mại và dân sự hiện hành, ngoài những trường hợp bắt buộc phải có hợp đồng (ví dụ như xuất khẩu hàng hóa, hoạt động đại lý, hoạt động gia công, hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa…) thì về cơ bản không bắt buộc phải ký hợp đồng.Tuy nhiên để đảm bảo quyền và nghĩa vụ chính đáng của các bên, các hộ kinh doanh tham gia hoạt động thương mại với giá trị lớn, có tính rủi ro cao thì nên ký hợp đồng kinh tế bằng văn bản, làm cơ sở cho hộ kinh doanh xử lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi một bên tham gia vi phạm hợp đồng.

    Nội dung hợp đồng kinh tế các hộ kinh doanh tham khảo trong Luật thương mại 2005.

  1. Khi thực hiện chế độ kế toán, sổ sách chứng từ đối với hộ kê khai, trên sổ S6, S7 thì hộ kinh doanh chỉ phải kê khai trên sổ những giao dịch liên quan đến hoạt động kinh doanh hay phải kê khai cả các giao dịch chi-thu cho gia đình liên quan đến tài khoản trên sổ S7?
    Trả lời: Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo nội dung kinh tế và theo trình tự thời gian có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh. Các hoạt động không liên quan đến hoạt động của hộ kinh doanh như chi tiêu phục vụ sinh hoạt gia đình không phản ánh trên sổ sách kế toán của hộ kinh doanh.
  1. Sổ sách được làm qua file excel hay file trên hệ thống hóa đơn điện tử và sẽ phải chuyển tải file cho ai?
    Trả lời: Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 5 Thông tư 88/2021/TT-BTC:
  1. Nội dung sổ kế toán, việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được vận dụng theo quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26 Luật Kế toán và thực hiện theo hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục 2 “Biểu mẫu và phương pháp ghi sổ kế toán” ban hành kèm theo Thông tư này.
  2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được vận dụng các quy định về việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán trên phương tiện điện tử theo quy định tại Điều 26 Luật Kế toán để thực hiện cho phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.Như vậy hộ kinh doanh có thể lựa chọn ghi sổ kế toán ra giấy hoặc bằng phương tiện điện tử, miễn là đáp ứng các yêu cầu của sổ kế toán theo pháp luật kế toán hiện hành. Trường hợp hộ kinh doanh lựa chọn ghi sổ kế toán bằng phương tiện điện tử thì sau khi khóa sổ kế toán trên phương tiện điện tử phải in sổ kế toán ra giấy và đóng thành quyển riêng cho từng kỳ kế toán năm để đưa vào lưu trữ. Trường hợp không in ra giấy mà thực hiện lưu trữ sổ kế toán trên các phương tiện điện tử thì phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.


II – Vướng mắc về chính sách thuế

  1. Hộ kinh doanh có phát sinh hoạt động dịch vụ vận tải hàng hóa trong nước thì phải nộp thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu là bao nhiêu?
    Trả lời: Căn cứ theo danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính): Nếu hộ kinh doanh có phát sinh hoạt động dịch vụ vận tải hàng hóa trong nước thì phải nộp thuế thì phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu như sau:
    + Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 3%.
    + Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.
  1. Tôi cho trung tâm đào tạo và huấn luyện thi đấu thể thao tỉnh Hải Dương thuê phòng cho nghỉ cho huấn luyện viên và vận động viên lâu dài nhưng ký hợp đồng từng tháng một. Vậy thuế suất áp dụng là thuế suất dịch vụ cho thuê tài sản hay dịch vụ lưu trú?
    Trả lời: Về bản chất đây là cho thuê nhà dài hạn nên mức thuế suất áp dụng sẽ là mức thuế suất cho thuê tài sản theo: “Phụ lục I: danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)”. Thuế suất thuế GTGT là 5%, thuế suất thuế TNCN là 5%.
  1. Hộ kinh doanh có được khấu trừ hay hoàn thuế GTGT không? Hộ kinh doanh có phải sao kê phụ lục ngân hàng để lưu lại không, vì thường tài khoản ngân hàng của hộ kinh doanh không chỉ sử dụng riêng cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn sử dụng cho việc cá nhân khác?
    Trả lời: Hộ kinh doanh nộp thuế trực tiếp theo tỷ lệ % doanh thu nên không đc khấu trừ, hoàn thuế với hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu hộ kinh doanh có số thuế nộp thừa thì có thể đề nghị hoàn tiền thuế nộp thừa theo quy định của Luật quản lý thuế.Hộ kinh doanh không bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng riêng, tuy nhiên cơ quan thuế khuyến khích hộ kinh doanh mở riêng 1 tài khoản ngân hàng phục vụ việc sản xuất kinh doanh để thuận tiện cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh cũng như cho cơ quan thuế, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có nhu cầu kiểm tra, đối chiếu.
  1. Khi nộp thuế cần có những sổ gì và chứng từ gì?
    Trả lời: Chứng từ và sổ kế toán đối với Hộ kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 4, Điều 5 Thông tư số 88/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 của Bộ Tài chính.
  1. Hộ kinh doanh bán hàng hóa thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 thì lập hóa đơn bán hàng như thế nào?
    Trả lời: Căn cứ Nghị quyết 43/2022/QH15;Căn cứ Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định:
  1. Mức giảm thuế giá trị gia tăng

…b) Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản 1 Điều này.

…3. Trình tự, thủ tục thực hiện

…b) Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, khi lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”.

Như vậy, trường hợp hộ kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 thì lập hóa đơn bán hàng, trong đó cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”.

Ví dụ: Hộ kinh doanh cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa trong nước với tổng tiền cước là 6.000.000 đồng thì số tiền thuế GTGT được giảm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 là: 6.000.000 x 3% x 20% = 36.000 đồng.

Khi lập hóa đơn bán hàng, Hộ kinh doanh ghi như sau:

– Tại cột Thành tiền ghi: 6.000.000 đồng

– Tại cột Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi: 5.964.000 đồng

Đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”.

  1. Tôi là hộ khoán khi đến cơ quan thuế mua hoá đơn lẻ thì chứng từ chứng minh đầu vào có chấp nhận hoá đơn thường hoặc bảng kê không hay là bắt buộc phải có hoá đơn đỏ, vì hàng hoá bán lẻ hiện còn tồn là rau, củ tôi mua để làm quán ăn không có hoá đơn?
    Trả lời: Theo quy định tại điểm c, khoản 2, điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì trong các tài liệu kèm theo hồ sơ khai thuế từng lần phát sinh của hộ khoán khi có nhu cầu hóa đơn lẻ để giao cho khách hàng phải kèm theo bản sao nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa dịch vụ như: bảng kê thu mua hàng hóa (chỉ áp dụng đối với hàng hóa là nông sản trong nước, hoặc hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu) ; hóa đơn của người bán giao cho (đối với các loại hàng hóa khác). Hóa đơn của người bán giao cho có thể là hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng tùy theo đối tượng người bán được áp dụng loại hóa đơn nào.Trường hợp các giao dịch phát sinh trước 1/1/2022, theo quy định trước đây hộ khoán không bắt buộc phải lưu giữ hóa đơn chứng từ, do đó sẽ phát sinh các trường hợp hàng tồn kho mua trước 1/1/2022 có thể sẽ không có hóa đơn chứng từ theo quy định. Trường hợp này hộ kinh doanh tự xác định, tự chịu trách nhiệm khi cập nhật vào sổ kế toán đối với hàng tồn kho không có hóa đơn chứng từ được mua trước 1/1/2022. Cơ quan thuế trong quá trình quản lý có trách nhiệm kiểm tra và quản lý theo rủi ro đối với những trường hợp có dấu hiệu cập nhật giá trị hàng tồn kho không phù hợp thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu bán ra để tránh các trường hợp lợi dụng.
  1. Căn cứ vào đâu để xác định hộ khoán áp dụng Thông tư số 40/2021/TT-BTC, vì có nhiều trường hợp không yêu cầu đăng ký kinh doanh nhưng vẫn là cá nhân kinh doanh?
    Trả lời: Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì hộ, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật (không phân biệt có đăng ký kinh doanh hay không).Căn cứ Điều 5, Điều 6, Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC có quy định phương pháp tính thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh gồm: phương pháp kê khai, phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh, phương pháp khoán. Hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán gọi chung là hộ khoán.
  1. Tại nội dung thứ 3 điểm c khoản 2 điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC: – Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất, cung cấp;… Có nghĩa là: Phải có Hoá đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa mua của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong nước hay chỉ hàng hoá nhập khẩu mới cần phải có hoá đơn?
    Trả lời: Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định:
    Điều 13. Quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh
    …b) Các tài liệu kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh gồm:
    – Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
    – Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;
    – Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất; …Cơ quan thuế có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.”

    Như vậy, nếu hộ kinh doanh mua hàng hóa nhập khẩu từ tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước thì phải có hóa đơn của người bàn hàng lập và giao cho hộ kinh doanh.

  1. Hộ kinh doanh của tôi mỗi năm bị ấn định thuế khoán tăng lên nhưng thực tế doanh thu các năm gần đây giảm nhiều do ảnh hưởng của dịch covid. Vậy làm sao để xin giảm mức thuế khoán?
    Trả lời: Căn cứ khoản 4, Điều 13, Thông tư số 40/2021/TT-BTC thì đối với hộ khoán, cơ quan thuế xác định doanh thu và mức thuế khoán trên cơ sở tờ khai của hộ kinh doanh, cơ sở dữ liệu của ngành thuế, ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã/phường/thị trấn, tình hình phát triển kinh tế chung của địa bàn. Hộ kinh doanh sẽ nộp thuế khoán theo thông báo của cơ quan thuế từ đầu năm. Nếu trong năm có thay đổi về hoạt động sản xuất kinh doanh (tăng/giảm quy mô, ngừng, tạm ngừng kinh doanh, thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh theo hướng dẫn tại điểm b, khoản 4, Điều 13, Thông tư số 40/2021/TT-BTC) thì hộ khoán đề nghị điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán.
  1. Hộ kinh doanh nào được kê khai theo quý và tháng?
    Trả lời: Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 thì phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn (Hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn được quy định tại khoản 2 điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC) và hộ kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng tự lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.Căn cứ Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ: Hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế GTGT theo tháng. Trường hợp đáp ứng tiêu chí kê khai theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý (như hộ kinh doanh mới thành lập hoặc hộ kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống) thì thực hiện khai thuế GTGT theo quý.
  1. Năm 2021 tôi được cơ quan thuế xác định nộp thuế theo phương pháp khoán. Tôi không xác định được doanh thu thực tế năm 2021, vậy tôi có phải khai, nộp tờ khai 01/CNKD năm 2022 không?
    Trả lời: Trường hợp năm 2022 hộ kinh doanh của anh/chị vẫn tiếp tục nộp thuế theo phương pháp khoán thì căn cứ Điều 13 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021 của Bộ Tài chính, từ ngày 20/11/2021 đến ngày 05/12/2021 cơ quan thuế phát tờ khai thuế năm sau cho tất cả các hộ khoán, anh/chị có trách nhiệm khai tờ khai khoán dựa vào doanh thu kinh doanh năm 2021, tình hình phát triển của cơ sở kinh doanh, … để đưa ra mức doanh thu và mức thuế khoán dự kiến. Thời hạn nộp tờ khai thuế chậm nhất là ngày 15/12/2021.Trường hợp năm 2022 hộ kinh doanh chuyển sang nộp thuế theo phương pháp kê khai, anh chị căn cứ tình hình thực tế kinh doanh để thực hiện khai thuế, nộp thuế theo kỳ tháng/quý theo quy định tại điều 11 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021 của Bộ Tài chính.
  1. Hộ kinh doanh bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất (họ được miễn thuế GTGT) có xuất hóa đơn bán hàng. Vậy chúng tôi có phải nộp thuế GTGT không?
    Trả lời: Căn cứ Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính;Căn cứ theo danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính);

    Trường hợp hộ kinh doanh bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất mà đáp ứng đầy đủ điều kiện tại điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC cụ thể: có hợp đồng bán hàng hóa ký với doanh nghiệp chế xuất, có tờ khai hải quan, có chứng từ thanh toán qua Ngân hàng thì hộ kinh doanh không phải nộp thuế GTGT nhưng phải nộp thuế TNCN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu là 0,5%.

    Nếu không đáp ứng điều kiện nêu trên thì hộ kinh doanh phải nộp cả thuế GTGT theo mức tỷ lệ % tính trên doanh thu là 1% và nộp thuế TNCN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu là 0,5%.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Chi cục Thuế Khu vực Lê Chân - Dương Kinh
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Chi cục Thuế Khu vực Lê Chân – Dương Kinh

III. Vướng mắc về hoá đơn

  1. Xuất hóa đơn điện tử nhưng khách hàng không yêu cầu được hưởng giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì có bắt buộc phải ghi giảm trên hóa đơn không?
    Trả lời: Căn cứ Nghị quyết 43/2022/QH15của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương rình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội;Căn cứ Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội;

    Đề nghị người nộp thuế nghiên cứu và thực hiện theo đúng quy định đảm bảo chủ trương giảm thuế GTGT của Quốc hội được đi vào cuộc sống mang lại hiệu quả cao

  1. Theo quy định của pháp luật hiện hành thời điểm cuối cùng để hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện kê khai thuế là khi nào?
    Trả lời: Căn cứ khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38 quy định:
    “5. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”Căn cứ Điều 5 Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn:
    “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý (Tiêu chí khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: NNT mới thành lập hoặc NNT có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống).”

    Như vậy, hộ kinh doanh nếu thuộc trường hợp khai thuế theo tháng thì thời hạn kê khai và nộp tờ khai là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế. Hộ kinh doanh nếu thuộc trường hợp khai theo quý thì hạn kê khai và nộp tờ khai là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

  1. Khi đăng ký hóa đơn điện tử và thực hiện kê khai thuế qua mạng rồi thì hộ kinh doanh sẽ vẫn lên chi cục thuế nộp theo hình thức tiền mặt nếu chọn hình thức nộp tiền mặt?
    Trả lời: Trường hợp chủ hộ kinh doanh có nhu cầu nộp thuế bằng tiền mặt có thể lựa chọn phương thức mang tiền mặt đến ngân hàng và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan thuế tại Kho bạc Nhà nước.
  1. Tôi lập hóa đơn điện tử và có nhiều danh mục hàng hóa dài. Vậy tôi có lập hóa đơn điện tử theo bảng kê chi tiết hoặc theo hợp đồng kinh tế được không?
    Trả lời: Hóa đơn điện tử được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, không giới hạn số dòng trên 01 hóa đơn. Người nộp thuế căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP để cập nhật các trường hợp được xuất hóa đơn theo bảng kê để căn cứ thực hiện.
  1. Nếu kê khai chậm thì mức phạt sẽ là bao nhiêu?
    Trả lời: Căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:
  1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
  2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
  3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
  4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  5. a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
  6. b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
  7. c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
  8. d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
  9. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.

  1. Biện pháp khắc phục hậu quả:
  2. a) Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
  3. b) Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều này.”

Hộ kinh doanh dựa trên quy định được nêu trên để xác định mức nộp phạt dựa trên thực tế số ngày kê khai thuế chậm theo quy định của pháp luật.

  1. Cá nhân, hộ kinh doanh thấy còn nhiều bất cập trong việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử cần được hướng dẫn tháo gỡ như sau:
    – Sản phẩm làm ra hoàn toàn thủ công, tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong địa phương và có hợp đồng mua bán nhưng họ hoàn toàn không có thuế.
    – Các đơn vị nhập hàng có yêu cầu xuất thuế là nhỏ lẻ vì sản phẩm chủ yếu bán online và giao tận nơi qua đường bộ (xe khách liên tỉnh).

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP:

  1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Như vậy, hộ kinh doanh cần phải lập hóa đơn cho các hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ kể cả khi khách hàng không yêu cầu xuất hóa đơn.

Hiện nay có 3 hình thức của hóa đơn bao gồm: hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, hóa đơn điện tử có mã cấp theo từng lần phát sinh và hóa đơn điện tử có mã được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế. Đối với những hộ kinh doanh bán lẻ hàng hóa tuy giá trị từng mặt hàng là không lớn nhưng với số lượng bán ra nhiều, cơ quan thuế khuyến khích áp dụng hình thức hóa đơn điện tử có mã được khởi tạo từ máy tính tiền với những lợi ích sau:
– Tiết kiệm thời gian, không gian, nhân lực và vật lực
– Giảm thời gian tuân thủ thủ tục hành chính thuế
– Giảm thiểu và khắc phục rủi ro làm mất, cháy, hỏng khi sử dụng hóa đơn giấy
– Tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo độ chính xác cao và an toàn.

  1. Trong hóa đơn hộ kinh doanh bánh kẹo: các hóa đơn điện tử ở cột Cộng không bằng tổng ở dưới, khi tôi hỏi bên phần mềm thì giải thích: số tiền đó nhân với 8% thuế thì ra tổng số tiền của hóa đơn (bao gồm cả phần giảm trừ thuế theo NQ 43/2022). Điều này được hiểu như thế nào?
    Trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP:
  1. Mức giảm thuế giá trị gia tăng
  2. b) Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản 1 Điều này.
  3. Trình tự, thủ tục thực hiện
  4. b) Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, khi lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”.

    Đề nghị người nộp thuế nghiên cứu và thực hiện theo đúng quy định.

  1. Khi áp dụng hoá đơn điện tử, thì hộ kinh doanh có còn được mua và sử dụng quyển hoá đơn mua bán của Chi cục thuế nữa không?
    Trả lời: Căn cứ Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC: Hộ kinh doanh sẽ áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Nếu là hộ khoán thì sẽ được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh mà không phải đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Hộ kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC thì không được mua hóa đơn quyển của cơ quan thuế (theo như quy định trước đây). Khi Hộ kinh doanh được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hóa đơn điện tử thì phải thực hiện tiêu hủy hóa đơn đã mua của cơ quan thuế. Hộ kinh doanh cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình của cơ quan thuế.
  1. Hộ kinh doanh muốn được hướng dẫn về thông tin hoá điện tử và đặc biệt là các bước mà hộ kinh doanh cần làm để tiến hành sử dụng hoá đơn điện tử?
    Trả lời: Để sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, cần thực hiện như sau:
    Trường hợp hộ kinh doanh là hộ khoán: khi phát sinh nhu cầu sử dụng hóa đơn, hộ khoán có thể trực tiếp đến cơ quan thuế để được hỗ trợ cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh và phải nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn. Trường hợp hộ khoán đã có tài khoản thuế điện tử, có điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm: máy tính/thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng) kết nối mạng internet, thì có thể gửi đề nghị cấp hóa đơn lẻ theo mẫu 06/ĐN-PSĐT đến cơ quan thuế trực tiếp qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (theo địa chỉ: hoadondientu.gdt.gov.vn) mà không phải trực tiếp đến cơ quan thuế. Trong trường hợp này hộ khoán cũng có thể khai, nộp thuế điện tử cho phần phát sinh của hóa đơn đó mà không phải trực tiếp đến cơ quan thuế, kho bạc.

    Trường hợp hộ kinh doanh là hộ kê khai thì phải thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định trước khi sử dụng hóa đơn. Để sử dụng hóa đơn điện tử, hộ kê khai cần chuẩn bị điều kiện về hạ tầng thông tin, bao gồm: máy tính/thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng) có thể kết nối mạng internet, chữ ký số và phần mềm lập hóa đơn điện tử.

    Hộ kinh doanh cần liên hệ trực tiếp với đơn vị cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để được hỗ trợ gửi Cơ quan thuế trực tiếp, thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

  1. Trường hợp hộ kinh doanh kê khai nộp thuế theo quý, và doanh thu năm dương lịch trên dưới 1 tỷ đồng/năm thì có phải kê khai sử dụng hóa đơn điện tử?
    Trả lời: Trường hợp hộ kinh doanh đủ điều kiện hoặc tự thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai thì phải đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Hộ kinh doanh liên hệ với cơ quan quan lý thuế trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể.
  1. Sau khi nhận được thông báo chấp nhận của Cơ quan Thuế thì hộ, cá nhân kinh doanh phải làm gì với hóa đơn cũ?
    Trả lời: Căn cứ Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 39/2014/TT-BTC, Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính:
    – Trường hợp cơ quan thuế đã chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC thì Hộ, cán nhân kinh doanh (người nộp thuế – NNT) phải ngừng sử dụng hóa đơn giấy đặt in mua của Cơ quan Thuế theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trình tự, thủ tục tiêu hủy thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
    – Trong thời gian Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính đang có hiệu lực thi hành, người nộp thuế thực hiện gửi: Thông báo kết quả hủy hóa đơn (Mẫu số TB03/AC) và Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (BC26) theo mẫu hướng dẫn tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC, qua hệ thống thuế điện tử để cơ quan thuế nhập vào ứng dụng Quản lý ấn chỉ.
  1. Trường hợp hộ kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, nay muốn thay đổi ký hiệu mẫu số, ký hiệu hóa đơn thì có phải đăng ký thay đổi thông tin theo Mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT không?
    Trả lời: Trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, nay có thay đổi ký hiệu mẫu số, ký hiệu hóa đơn thì KHÔNG phải thực hiện đăng ký thay đổi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo Mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cho cơ quan thuế.
  1. Trường hợp đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, nay muốn thay đổi Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử thì có phải đăng ký thay đổi thông tin theo Mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT không?
    Trả lời: Trường hợp đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và đã được cơ quan thuế có thông báo chấp nhận, sau đó hộ, cá nhân kinh doanh thay đổi Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử thì hộ, cá nhân kinh doanh KHÔNG PHẢI thực hiện đăng ký thay đổi thông tin đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử vì thông tin Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử không phải là thông tin bắt buộc trên Mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
  1. Người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì phải xử lý như thế nào?
    Trả lời: Căn cứ khoản 1 điều 19 Nghị định 123: Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua. Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.
  1. Số hóa đơn có quy định phải thể hiện dạng đầy đủ (Ví dụ: 0000001) hay hiển thị dạng rút gọn (1) không, hay có thể tùy chọn theo nhu cầu?
    Trả lời: Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính; Quyết định số 1450/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế;Số hóa đơn được quy định trong Quyết định số 1450/QĐ-TCT có kiểu dữ liệu là kiểu số. Do vậy số hóa đơn có dạng thể hiện là 1 hay 0000001 đều được chấp nhận.
  1. Hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, ngày 12/02/2022 Hộ, cá nhân kinh doanh đã lập các hóa đơn từ số thứ tự 1 đến số 5, ký số rồi gửi đến cơ quan thuế để cấp mã, khi nhận kết quả các hóa đơn số 1, 3, 4 được cấp mã – hai hóa đơn số 2 và số 5 không được cấp mã do sai định dạng dữ liệu. Vậy Hộ, cá nhân kinh doanh có được sử dụng lại số thứ tự 2 và 5 khi lập hóa đơn điện tử tiếp theo không? Hộ, cá nhân kinh doanh phải làm gì trong trường hợp này?
    Trả lời: Phần mềm HĐĐT của Hộ, cá nhân kinh doanh đã ghi nhận Hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng số thứ tự 2 và 5 ngoài ra trên hệ thống của cơ quan thuế đã ghi nhận Hộ, cá nhân kinh doanh gửi đến cơ quan thuế hóa đơn điện tử số thứ tự 2 và 5 có lỗi. Vì vậy Hộ, cá nhân kinh doanh không sử dụng lại số thứ tự 2 và 5 nữa và lập 2 hóa đơn mới gửi đến cơ quan thuế để cấp mã để thay cho hai hóa đơn (số thứ tự 2 và 5) có lỗi chưa được cấp mã. Hóa đơn mới trường hợp này không phải là hóa đơn thay thế nên không cần ghi dòng chữ “hóa đơn này thay thế cho hóa đơn….”.
  1. Trường hợp người mua không lấy hóa đơn thì người bán có phải gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế?
    Trả lời: Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, trường hợp người mua không lấy hóa đơn thì người bán vẫn phải lập và gửi dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế theo quy định.
  1. Hàng hóa thủ công không có hóa đơn như: cờ tổ quốc thì nhập vào như thế nào, vì họ may thủ công không thể có hóa đơn?
    Trả lời: Đề nghị hộ kinh doanh bên liên hệ với cơ quan thuế địa phương để được hướng dẫn lựa chọn phương pháp tính thuế phù hợp và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế để có hóa đơn bán hàng giao cho bên mua.
  1. Hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đã lập hóa đơn điện tử số thứ tự 1 gửi đến cơ quan thuế cấp mã và đã được cấp mã sau đó phát hiện hóa đơn số thứ tự 1 bị sai, Hộ, cá nhân kinh doanh lập hóa đơn điện tử số thứ tự 2 thay thế cho hóa đơn số thứ tự 1 và cơ quan thuế đã cấp mã cho hóa đơn điện tứ số 2 nhưng sau đó phát hiện hóa đơn số thứ tự 2 bị sai, Hộ, cá nhân kinh doanh lập hóa đơn số thứ tự 3 điều chỉnh cho hóa đơn số thứ tự 2 gửi đến cơ quan thuế cấp thì hệ thống báo lỗi không cấp mã. Hộ, cá nhân kinh doanh phải làm gì?
    Trả lời: Điểm c khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn: trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu. Do Hộ, cá nhân kinh doanh đã lựa chọn xử lý theo hình thức thay thế (hóa đơn số thứ tự 2 thay thế cho hóa đơn số thứ tự 1) thì nay Hộ, cá nhân kinh doanh tiếp tục áp dụng hình thức lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn số thứ tự 1 và 2.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Fill out this field
Fill out this field
Vui lòng nhập địa chỉ email hợp lệ.

Menu